
Thực trạng tiếp cận nhà ở của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực
Tình trạng hộ không có nhà ở tại Việt Nam đang dần được cải thiện trong 10 năm, từ mức 0,98 hộ/10.000 hộ vào năm 2009 đến nay còn 0,5 hộ/10.000 hộ. Tại Việt Nam, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt đến 99,5%, nhà bán kiên cố và kiên cố (chiếm 99,3%) và diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 19,4 m2/người.
Trên thực tế, bài toán về nhà ở cho lao động có thu nhập trung bình không chỉ là vấn đề ở Việt Nam, mà còn tồn tại nhiều quốc gia. Như ở Indonesia, năm 2020, có tới 3 triệu người vô gia cư và có tới 25 triệu người sống trong các khu ổ chuột, nhà tạm bợ.
Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia, ông Basuki Hadimuljono cho biết, Bộ đặt mục tiêu hỗ trợ, trợ cấp 21,69 nghìn tỷ rupiah (tương đương 1,55 tỷ USD) từ ngân sách nhà nước để xây dựng gần 400.000 nhà ở mới. Nỗ lực này nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đặc biệt cho người thu nhập thấp.
Tại Singapore, hiện Cơ quan phát triển nhà ở (HDB) đang cung cấp khoảng 1 triệu căn hộ, phần lớn tập trung tại khoảng hơn 20 thị trấn mới nằm rải rác. Trung bình mỗi căn có giá khoảng 217.000 USD. Theo số liệu của SingStat, thu nhập bình quân một hộ gia đình tại Singapore rơi vào khoảng 9.250 USD vào năm 2021. Như vậy, người Singapore chỉ cần mất khoảng 2-3 năm để sở hữu 1 căn hộ.
Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của HDB được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc. Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hàng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm.
Họ có quyền rút ra 1 phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hàng tháng. Vì vậy, tỷ lệ sở hữu nhà ở tại Singapore hiện lên tới 91% và trở thành một trong những nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới.
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Đất, Giao thông và Hạ tầng Noh Hyeong-ouk cũng cho biết, Chính phủ nước này sẽ thực hiện kế hoạch xây hơn 2 triệu nhà ở xã hội trên khắp cả nước vào năm 2030, bao gồm hơn 1 triệu căn tại thủ đô Seoul.
Theo thống kê của Kookmin Bank, giá căn hộ trung bình tại Seoul tăng tới 90% tính từ thời điểm Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5/2017 đến năm 2021. Giá căn hộ trung bình ở thủ đô Hàn Quốc đạt đỉnh 1,1 tỷ won (953.000 USD). Mức giá này tương đương 17 năm thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Seoul, cao gấp đôi tỷ lệ năm 2012.
Tính trên toàn Hàn Quốc, giá căn hộ trung bình tăng 60% trong năm 5 năm, từ 2016 – 2021.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), tỷ lệ sở hữu nhà ở năm 2020 rơi vào khoảng 50%. Theo dữ liệu từ Phòng Đánh giá và Thẩm định, vào tháng 6/2021, một căn hộ 46 m2 có giá khoảng 1,12 triệu USD tại khu Đảo Hong Kong, 1,07 triệu USD tại khu Kowloon và gần 900.000 USD tại khu Tân Giới.
Theo Nghiên cứu Khả năng Chi trả Nhà ở Quốc tế thường niên của Demographia năm 2021, một gia đình ở Hong Kong (Trung Quốc) sẽ mất đến gần 21 năm mới có thể mua được 1 căn nhà nếu chi tiêu tiết kiệm.
Nguồn: https://cafebiz.vn/phia-sau-con-so-cu-100000-ho-dan-cu-thi-co-5-ho-khong-co-nha-o-20220524164340007.chn